Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

Vuon len lam giau nho dat

Gần 30 năm qua, hàng chục hộ dân ở phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt (Cần Thơ) nhờ biết nâng niu, quý trọng từng mét vuông đất để ươm cây giống nên không chỉ thoát nghèo, có của ăn của để, nuôi con vào đại học...

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, đất đai trù phú, màu mỡ và là vựa lúa lớn nhất cả nước nên chuyện người dân đi thuê từng mét vuông đất để mưu sinh thật khó ai tin. Nhưng đây là câu chuyện có thật.

Vào một ngày đầu tháng 2, chúng tôi có dịp ghé thăm cơ sở bán cây giống của gia đình chị Bùi Thị Thạnh, 52 tuổi, ngụ phường Thuận Hưng – chị cũng là người mang nghề ươm cây giống từ Đồng Tháp về với vùng đất Cần Thơ.

Đã quá trưa, cơ sở ươm cây giống của chị Thạnh vẫn tấp nập khách hàng ra vào mua cây giống mang về trồng cho kịp vụ mùa. Ngoài số khách hàng quen thuộc, đặt hàng trước với số lượng lớn, còn lại là khách qua đường vào chọn cây giống mua về trồng xen canh. Khách hàng ra vào nườm nượp, chị và 2 người làm công phải làm luôn tay, xếp cây giống vào giỏ giao cho khách hàng.

Theo lời chị Thạnh kể lại, hơn 30 năm trước, khi chị theo chồng từ Lai Vung (Đồng Tháp) về làm dâu ở Cần Thơ. Khi ra riêng, hai vợ chồng không có lấy một tấc đất, hoàn cảnh gia đình cũng hết sức khó khăn. Với hai bàn tay trắng, chị cùng chồng làm đủ thứ nghề để mưu sinh, chạy ăn từng bữa. Chị cũng đã thử qua nhiều nghề, từ chăn nuôi, bán bánh dạo nhưng đều thất bại. Nhìn đứa con trai khóc thét vì đói sữa, chị không đành lòng. Nhiều đêm trăn trở, chị cùng chồng bàn tính, phải tìm nghề gì đó để mưu sinh, thoát nghèo.

Người dân tận dụng tấc đất để ươm, trồng cây rau giống trên các líp di động.

Nhớ lại nghề ươm cây giống của gia đình, chị mạnh dạn làm thử vài líp cây giống bán cho khách qua đường. Ban đầu, khách hàng chưa quen nên rất ít người ghé mua cây giống của chị nên phải mang đi đổ tháo. Bỏ líp này, chị vẫn tiếp tục làm líp khác, kiên định với công việc mình đã chọn. Khi đó, cũng có nhiều người đàm tiếu, cho rằng chị làm chuyện không đâu.

Một thời gian sau, thấy lạ, nhiều người cũng ghé lại mua cây giống về trồng thử thấy phát triển tốt, rút ngắn quá trình trưởng thành của cây trồng và nâng cao hệ số sử dụng đất nên tiếng lành đồn xa. Khách đến mua cây giống nườm nượp, căn nhà ọp ẹp của vợ chồng chị nằm cặp trên QL91, bỗng chốc trở thành "chợ" cây giống. Khách hàng gần có, xa có thậm chí nhiều người từ các tỉnh như: Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang… cũng tìm đến mua cây giống về trồng.

Làm ăn khấm khá, chị bàn với chồng mở rộng sản xuất, đi thuê đất của những hộ dân xung quanh, tận dụng từng mét vuông đất nằm cặp bờ sông trên QL 91 để ươm cây giống, đủ nguồn cung cho khách hàng. Nhiều mối quen, cứ vào mùa là đặt hàng sẵn từ 50 – 70 líp (mỗi líp 500 cây) cây giống. Trung bình vào vụ mùa, mỗi ngày cơ sở của chị bán ra khoảng 300 – 500 líp cây giống các loại.

Công việc ngày càng phát triển, làm không xuể, chị truyền nghề cho anh em trong gia đình chồng cùng làm, để tăng thêm thu nhập, có điều kiện chăm sóc con cái tốt hơn. Giờ đây, tại khu vực "chợ" cây giống phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt có gần 10 hộ dân làm nghề ươm cây giống và đang tiếp tục nhân rộng mô hình này ra ngoài và truyền nghề lại cho con cháu


Theo www.baomoi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét