Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Chap tay lay CSGT du dung luat

Cậu em tôi quỳ một chân, chắp hai tay lạy chàng CSGT một cái. Chàng ta trả lại giấy tờ nhưng không thấy mỉm cười. Độc giả Nguyễn Thanh Tuân kể về một tình huống giao thông.

Nhân lúc phủ phê sau một chầu ăn, hút và cà phê sáng do cậu em trai sinh đôi, mình nghe được câu chuyện này, xin "phát sóng" lên đây để các bạn cùng suy ngẫm, phán xét và rút kinh nghiệm cho vui.

Hôm trước, em tôi lái Vios đưa con tới trường trên đường Lý Thường Kiệt, lúc đó rất đông. Tới ngã tư Lý Thường Kiệt – Nguyễn Chí Thanh (hướng ra 3/2), chú chàng hết sức cẩn thận, đợi cho đèn xanh cháy lên đến mức sáng nhất mà nó có thể, thời cậu ấy mới cho xe tà tà "lết" qua ngã tư. Cẩn thận thế là phải, vì ngày nào cậu ấy cũng chở con đi học, vào giờ cố định, mà lúc nào ở đó cũng có hai đồng chí CSGT. Nghe chú em kể, một tuần gần đây lần nào ngang qua chú ấy cũng có cảm giác được mấy anh CSGT quan tâm bằng cái nhìn "đầy thiện cảm".

Và hôm trước, khi cậu em vừa đến giữa ngã tư, sau cái nhìn ấy đột nhiên vị CSGT giơ "gậy như ý" chỉ về phía chiếc Vios, ngoáy một phát, dập hai nhát, rồi vị CSGT khác hàm Thượng sỹ chạy ra "dùi" kẻ "tội đồ" vào lề.

Đang vội, lại bị cản mũi, nên chưa để cậu Thượng sỹ kia nghiêm chào, chú em nổi cấu gầm lên:

- Đường không cấm ôtô, tôi qua ngã tư đúng luật, ông dừng xe tôi vì việc giề?

- Cứ đưa giấy tờ xe đây rồi biết.

Chắp tay 'lạy' CSGT dù đúng luật

Hai bên, "trao đổi quan điểm" rất chân tình trên cơ sở không hề hiểu biết lẫn nhau hồi lâu, em tôi quyết định đưa giấy tờ cho anh cảnh sát. Thấy anh này nhăn sau khi xem trong, em tôi "di" tiếp.

- Tôi đã phạm lỗi gì ?

Cậu chàng ngần ngừ trong một thoáng rồi nói:

- Xe anh quay đầu trái phép trong khu dân cư!

Chú em càng điên tiết.

- Cái gì? Nhà tôi ở đường Phạm Hữu Chí, cách đây chưa đầy 500 m, tôi đưa con đi học, vừa rẽ trái từ khu vực Phạm Hữu Chí ra Lý Thường Kiệt, tôi quay đầu xe bao giờ ?

Em tôi quả có vừa rẽ trái hợp pháp ra Lý Thường Kiệt ở một ngã tư cách đó khoảng 50 m thật. Thấy "chú ta" ngắc ngứ, em tôi nói tiếp:

- Các ông ra điều khiển giao thông ở đây làm việc kiểu này thì tôi cũng đến chắp tay tôi lạy các ông?

Vị kia "phán" luôn.

- Lạy đi!

Em tôi quỳ một chân, trước sự chứng kiến của rất đông người qua đường, cậu ấy chắp hai tay lại, lạy "chú chàng" một phát. Mọi người cùng cười ồ lên. "Chú chàng" đưa trả lại giấy tờ rồi quay đi. Chẳng biết nhận cái lạy có "mát dạ" hay không mà không thấy "chú ý" cười. Lúc đó em tôi "dậu đổ, bìm leo", "khuyến mại" thêm một nhát lạy nữa cho đồng chí thứ hai đang đứng trên bục, kèm ít "mồi".

- Các ông về học Luật lại đi, nhá!

"Hội thảo thi hành Luật giao thông bên lề đường" bế mạc, người tham dự ai về nhà nấy, nhưng không một ai biết được em tôi đã phạm "tội" gì.

Một câu hỏi khác, lạy (quỳ hay không quỳ, quỳ một chân hay cả hai chân) có nên được duy trì như một nét văn hoá đặc trưng thể hiện sự cầu thị, khiêm nhường?

Câu hỏi cuối cùng, "lạy" có nên được coi là phương tiện xả stress tức thời của lái xe trong những tình huống kiểu như trên, để hạn chế những phản ứng thái quá theo kiểu chửi bới thô tục vì giận mất khôn, "phơi cá trên nắp ca pô", "thượng cẳng chân…" vốn đang nổi lên ngày càng "thịnh" trong các vụ xử lý vi phạm giao thông (oan và không oan) gần đây, hay không ?

Nguyễn Thanh Tuân

Theo tintuc.xalo.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét